Cuộc đời Hoàng_Trung

Hoàng Trung tự Hán Thăng (汉升), quê ở quận Nam Dương[1] thuộc Kinh châu.

Lúc đầu ông theo Lưu Biểu, cùng với Lưu Bàn (cháu Lưu Biểu) trấn thủ huyện Du thuộc quận Trường Sa. Về sau Tào Tháo đánh chiếm Kinh châu, lệnh cho Hoàng Trung thay chức Tỉ tướng quân, theo thái thú Trường Sa là Hàn Huyền.

Khi Lưu Bị đem quân đến lấy Kinh Châu, Hoàng Trung theo về với Lưu Bị.

Lưu Bị mang quân vào Tây Xuyên đánh Lưu Chương, Hoàng Trung nhận lệnh theo vào, tham chiến tại cửa ải Hà Manh. Ông thường dũng cảm xung phong đi đầu trước các sĩ tốt, được đánh giá là can đảm cương nghị[2].

Sau khi đánh chiếm được Ích châu, Lưu Bị phong ông làm Thảo lỗ tướng quân.

Cuối năm 218, Hoàng Trung cùng Lưu Bị tấn công lên Hán Trung - vùng đất Tào Tháo mới chiếm được của Trương Lỗ. Quân Thục nhanh chóng lấy cửa ải Dương Bình, sang đầu năm 219, vượt qua sông Miện Thủy[3]. Lưu Bị đóng quân hạ trại tại núi Định Quân, Hoàng Trung được lệnh cầm một cánh quân mai phục ở phía sau đỉnh núi này[4].

Tướng Tào Ngụy là Hạ Hầu Uyên không biết là mưu kế, mang toàn quân tới đánh doanh trại của Lưu Bị. Trong khi hai bên đang xô xát kịch liệt, đột nhiên Hoàng Trung từ trên cao thúc trống đánh xuống, khí thế rất mạnh vào sườn quân Tào. Quân Tào bị đánh tan nát không còn hàng trận. Hoàng Trung chém được Hạ Hầu Uyên và giết được thứ sử Ích châu của Tào Tháo là Triệu Ngung[4].

Nhờ chiến công ở trận này, Hoàng Trung được phong là Chinh Tây tướng quân.

Tháng 7 năm 219, Lưu Bị tự xưng là Hán Trung vương, bổ nhiệm ông làm Hậu tướng quân, ngang hàng với Quan Vũ (Tiền tướng quân), Mã Siêu (Tả tướng quân) và Trương Phi (Hữu tướng quân). Ban đầu Quan Vũ trấn thủ Kinh châu nghe tin ông là người mới mà có địa vị ngang hàng tỏ ra không bằng lòng, sau vì Phí Thi thuyết phục giải thích, Quan Vũ mới thôi bất bình[5]. Hoàng Trung còn được ban tước Quan nội hầu.

Năm 221, Hoàng Trung lâm bệnh mất, được đặt tên thụy là Cương hầu. Đời sau khi nhắc đến người già mà sức còn dẻo dai thường ví với Hoàng Trung[6].